12 thg 5, 2013

Adonis – Con chim đầu đàn của văn chương Á rập hiện đại - Trần Hữu Thục




Adonis – Con chim đầu đàn của văn chương Á rập hiện đại




We will die if we don’t create gods. We will die if we don’t kill them 
Adonis

Nếu không kể Naguib Mahfouz (vừa mất cuối tháng 8/2006), nhà văn Ai cập đoạt giải Nobel văn chương năm 1988, thì hai khuôn mặt hàng đầu của nền văn chương các nước Á Rập hiện nay là Mahmoud Darwich, nhà thơ Palestine và Adonis. Tuy không nổi tiếng bằng Mahmoud Darwich, lại bị nhiều người chống đối, nhưng Adonis được những nhà phê bình văn học xem là nhà thơ vĩ đại nhất còn sống của thế giới Á Rập. Liên tiếp trong nhiều năm, Adonis nằm trong danh sách bốn nay năm nhà văn, nhà thơ có thể được trao giải Nobel văn chương. Nhiều người dự đoán sớm muộn gì, giải Nobel cũng lọt vào tay ông, y như trường hợp của Coetzee (Nobel văn chương năm 2003). Edwar Said, nhà phê bình văn học Mỹ gốc Palestine, gọi ông là "nhà thơ Á Rập táo bạo nhất và khiêu khích nhất ngày nay". Còn nhà thơ Sumuel Hazo, người đã dịch tuyển tập thơ The Pages of Day and Night của Adonis, khẳng định thi ca Á Rập chia ra hai thời kỳ rõ rệt mà mốc điểm chính là Adonis: "Có thơ Á Rập trước Adonis và thơ Á Rập sau Adonis" (1). Adonis là nhà thám hiểm tiên phong về thơ của thế giới Á Rập, được so sánh với nhà thơ T. S. Eliot của thi ca các nước nói tiếng Anh về chủ nghĩa hiện đại trong văn chương.


Adonis, tên thật là Ali Ahmed Sa’id, sinh năm 1930 ở Qassabin trên một làng quê thuộc bờ biển Ladhkia, nước Syria. Cha mẹ là nông dân nghèo, không đủ sức nuôi con đi học trong một trường học chính thức, gửi ông đi học với một thầy giáo làng. Cha ông phải dạy ông học thêm về kinh Coran và thơ tại nhà. Mơ ước lớn nhất của ông thời thơ ấu là làm sao có thể đi học ở một trường học thật sự. Một ngày nọ, mơ ước ông biến thành sự thật. Không phải do tình cờ mà do chính sự táo bạo của cậu bé Said’ mới có 13 tuổi đầu. Một hôm, nghe tin ông Shukri alQuwatli, tổng thống đầu tiên của nước Syria vừa mới giành độc lập từ tay Pháp, sẽ đến viếng thăm làng ông, cậu bé Sa’id quyết định làm một bài thơ để đọc cho tổng thống nghe. Dự tính đó bị ông trưởng làng từ chối. Không nản chí, Sa’id chạy bộ tới nơi dừng chân thứ hai của vị tổng thống là thị trấn Jibla, năn nỉ với ông thị trưởng ở đó là Yasin Ali Adeeb. Ông thị trưởng đồng ý. Và cuối cùng cậu được đọc thơ trước mặt tổng thống Shukri alQuwatli. Năm sau, 14 tuổi, Sa’id được tổng thống cấp học bổng đi học tại trường Tartus, xa nhà đến cả mấy chục dặm.

Trong thời gian học trung học, ông làm nhiều thơ gửi đăng báo, nhưng không có bài nào được đăng. Bực mình, năm 19 tuổi (1949), ông gửi toà soạn báo một bài thơ với bút hiệu Adonis – tên một vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Bài thơ, sau đó, được chọn đăng. Thế là ông đổi luôn tên mình thành Adonis. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông ghi tên học luật, nhưng rồi đổi ý, chuyển sang học triết học tại đại học Damascus, Syria. Năm 1956, sau khi ở tù gần một năm vì tội chống chính phủ, ông trốn sang Beirut, thủ đô xứ Li Băng (Lebanon) và rồi lấy luôn quốc tịch Li-Băng. Beirut là một nơi trú ẩn sinh động của đủ loại người, trong đó không thiếu những phần tử nổi loạn lưu vong, rất thích hợp với một người có máu phiêu lưu và ưa thử thách như Adonis. Ông tiếp tục theo học tại "St Joseph University" ở Beirut và tốt nghiệp tiến sĩ năm 1973 sau khi được học bổng sang học một năm ở Paris. Ông là giáo sư văn chương Á Rập tại đại học Li-Băng (giữa những năm từ 1970 đến 1985), giáo sư thỉnh giảng tại đại học Damascus (1976) và giáo sư tiếng Á Rập tại đại học Sorbonne (Pháp). Ông cũng được mời dạy tại một số đại học Tây phương khác. Năm 1985, ông trở về sống tại Paris.

Tuy được giáo dục theo truyền thống văn hóa và ý thức hệ Hồi Giáo từ nhỏ, ông lại sớm tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Tây phương. Trong thời gian theo học đại học, ông tự học ngoại ngữ và đọc các tác phẩm của Pháp. Hiểu rõ những yếu điểm của xã hội cũng như văn hóa truyền thống Hồi Giáo, ông nhận thấy phương cách duy nhất để các nước Á Rập vươn lên, thách thức được với văn hóa Tây phương là phải biết tiếp thu và sử dụng thứ văn hóa đó. Ông dịch ra tiếng Á Rập nhiều tác phẩm văn, thơ cũng như kịch của các nước Châu Âu, nhất là của Pháp, nhằm truyền bá tinh thần đổi mới của Tây phương. Đồng thời, để tạo ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài, ông hợp tác với một người bạn thơ cùng chí hướng là nhà thơ Li Băng, Yousif Al-Khal, xuất bản một tạp chí chuyên về thơ có tên là “Shir” (Poetry), chủ trương đổi mới hình thức và nội dung thơ, hướng về lối làm thơ thực nghiệm, đồng thời giới thiệu thơ của các nhà thơ Âu Châu qua các bản dịch. Tờ báo lên án những hình thức văn hóa truyền thống gắn liền với xu hướng khu biệt bộ tộc, xiển dương sự bày tỏ các cảm quan cá nhân xuyên qua hình thức tự thể nghiệm thay vì uốn mình theo áp lực của tập thể. Số đầu vừa ra đời liền bị chống đối dữ dội. Thành phần bảo thủ quy tụ chung quanh tờ báo “Al-Adab” (Literature), tuyên bố làm một cuộc thánh chiến chống “Shir”. Họ hô hào tẩy chay “Shir”’, tố cáo tờ tạp chí là theo Mỹ và quy cho đủ thứ tội lỗi khác. Bất chấp khó khăn, “Shir”’ vẫn tiếp tục. Rốt cuộc, xu hướng mới thắng thế. “Shir”’ dần dà tạo nên một ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thể nền thi ca Á Rập. Năm 1968, ông xuất bản một tập san khác, “Mawa Qif” (Positions) mở rộng mục tiêu của “Shir”’, lập nên một diễn đàn mới thảo luận những vấn đề chính trị và xã hội nóng bỏng của các nước Á Rập. "Dự tính của chúng tôi là đặt thành vấn đề, không chỉ thơ mà là toàn thể nền văn hoá và lịch sử nhằm làm mới lại tư tưởng Á Rập", Adonis cho biết.

Vừa là một nhà thơ vừa là một nhà lý thuyết về thơ, đồng thời cũng là một nhà tư tưởng với quan điểm hết sức cấp tiến, ông có một ảnh hưởng lớn lao không những trên những nhà văn, nhà thơ đương thời mà còn trên những thế hệ nhà thơ trẻ về sau. Ở trong thế giới văn chương Á Rập, tên của ông đoầng nghĩa với từ "hadatha", có nghĩa là "chủ nghĩa hiện đại" biểu hiện rõ ràng qua thơ và các bài phân tích về thơ của ông. Những tác phẩm viết về thơ ca như Zaman al-shir’ (1972) là những mốc điểm quan trọng trong lịch sử phê bình văn chương thế giới Á Rập. Vai trò của ông là cung cấp cương lĩnh cho nền văn chương đó. Ông cắt đứt với quá khứ và cách mạng hóa mọi thứ. Thơ của ông có tính thực nghiệm, tính tiên tri, là một tổng hợp giữa sự làm mới hình thức của chủ nghĩa hiện đại và tính cách huyền bí của thi ca Á Rập cổ điển. Nó gợi lên những đau đớn tột cùng và sự cô độc tâm linh của thế giới Á Rập, các khoái lạc tình dục, tính chất hiện sinh của bản ngã và tha nhân. Nhưng hơn hết thảy, theo Adam Shatz, thơ của Adonis là sức mạnh phá hủy mang tính sáng tạo (creative destruction). Sức mạnh đó bốc cháy xuyên qua mọi thứ ông viết. Cũng như những tác giả mà ông ngưỡng mộ là James Joyce, Antonin Artaud và André Breton, Adonis bắt đầu sự nghiệp bằng cách đặt những câu hỏi về "căn cước của tự ngã, của chủ thể và của dân tộc" bằng một nỗ lực "tái-tướng tượng" (re-imagine) một thứ ngôn ngữ khác hơn là ngôn ngữ đã bị bám bụi của "thương mại và truyền thông". Ông gọi ngôn ngữ thi ca là một thứ "ngôn ngữ vắng mặt" (language of absence). Ngôn ngữ vắng mặt là gì? Là một thứ ngôn ngữ đã được tinh chế, tách biệt hẳn khỏi ngôn ngữ đời thường. "Cách làm thơ là bạo động bởi vì nó đặt vấn đề với những khuôn mẫu có sẵn thường làm bít lối ngôn ngữ chúng ta; nó không thể đi xa lắm trong cuộc đấu tranh này nếu không có một sự cuồng nộ, một khả năng phá hủy những lời nói sáo rỗng, những hình ảnh vô ích, trống rỗng đã hình thành trong ngôn ngữ, cũng như, bất hạnh thay trong tư tưởng và tưởng tượng của nhà thơ" (2).

We will die if we don’t create gods. We will die if we don’t kill them. Chúng ta sẽ chết nếu chúng ta không tạo ra các thần thánh. Nhưng chúng ta cũng sẽ chết nếu chúng ta không giết chết họ, Adonis khẳng định (3). Phát biểu đó được những nhà nghiên cứu văn chương xem như là âm vang của nhà thơ-triết gia Friedrich Nietzsche với lời tuyên bố trứ danh ngày nào "Thượng Đế đã chết". Nghe hao hao như khái niệm "Phụng Phật sát Phật" trong tư tưởng Phật giáo. Theo Adonis, "thơ là một câu hỏi làm phát sinh ra những câu hỏi khác"(4). Quan điểm này là một thách thức trong không khí chung của xã hội Hồi Giáo, ở đó, nhà thơ, cũng như bất cứ ai, phải tỏ rõ lập trường và cho câu trả lời dứt khoát. Đó là truyền thống lâu đời thường dùng thơ ca để tuyên truyền tôn giáo. Adonis cho rằng để hiện đại hoá của thi ca Á Rập, cần phải quyết liệt thăm dò ngôn ngữ thi ca và mở ra những lãnh vực thực nghiệm mới để viết. Viết ở đây là liên tục đặt nền văn minh Á Rập thành câu hỏi, trong khi đồng thời cũng đặt chính chuyện “viết”thành câu hỏi. Nhiều nhà phê bình gọi ông là một nhà thơ của những "nghịch lý và cực đoan" (poet of paradoxes and extremes), vì dường như ông vượt khỏi chính mình trong mỗi một tác phẩm mới. Sau này, ông còn đưa ra một khái niệm mới về thơ, theo đó, “thơ” là một đối nghịch với “viết” nghĩa là văn bản thơ phải vượt hẳn ra khỏi khái niệm truyền thống về loại để trở thành một bài thơ toàn diện, hiện thân cho tính đa tầng, đa ngôn ngữ, đa dạng và đa cơ cấu.

Theo tiến sĩ Hisham Sharabi (5), có thể xem Adonis là nhà thơ “tư tưởng”(thoughtful poet). Đó là một nhà thơ mà thơ làm ra chủ yếu là diễn đạt tư tưởng. Thơ ông phong phú và phức tạp, không dễ dàng tiếp cận được nếu không quen với phong cách và tư tưởng của ông. Thơ ông gần gũi với thơ của nhà thơ Đức Rainer Maria Rilke (1875-1926), đặc biệt là trong những tác phẩm sau này. Và giống Rilke, ông là một nhà thơ phổ quát (universal), vượt lên trên giới hạn của bối cảnh văn hoá và quốc gia mà ông xuất thân. Để hiểu thơ Adonis, theo giáo sư Hisham Sharabi, cần có sự hỗ trợ của hai tài liệu quan trọng, một là tiểu luận “What are Poets for?”của triết gia Đức Heidegger và hai là tiểu luận “On Dreams” của nhà phân tâm học Freud. Trong “What are Poets for?”, Heidegger bàn về sự liên hệ căn bản giữa tư tưởng và thi ca, cho thấy làm thế nào mà thơ có thể nắm bắt được “yếu tính của tư tưởng” và phơi bày ra cái gì còn ẩn dấu đối với tư tưởng, nghĩa là làm sao cho cái “xa” trở thành “gần”. Còn Freud, qua “On Dreams”, giải nghĩa giấc mơ, cung cấp một chìa khoá để giải mã thơ, vì có một sự liên hệ khắng khít giữa giấc mơ và thơ. Giống như giấc mơ, hình thức có thể xem như một phần của nội dung trong sự minh giải văn bản thơ; và tính cách dễ hiểu, trong sáng của văn bản có thể vẫn còn dấu ẩn một điều gì khác.

Trong bài tiểu luận công phu “Contradictory SelfSelves”(6), Kamal Abu-Deeb phân tích thơ của Adonis một cách tỉ mỉ. Theo ông, qua hàng chục năm nghiên cứu, ông nhận thấy thơ Adonis luôn luôn hàm chứa tính mâu thuẫn, đó là mâu thuẫn căn bản giữa tự nhiên và văn hoá. Tự nhiên có tính chất tụ (unifying), văn hoá có tính chất tán (devisive). Ông muốn siêu vượt lên chúng. Nhưng càng tìm cách siêu vượt, thì sự mâu thuẫn càng lớn, càng không thể siêu vượt. Rốt cuộc, chính thơ Adonis hàm chứa mâu thuẫn, là mâu thuẫn. Trong khi vẫn theo hướng hòa giải, thống nhất thì đồng thời tiến trình đó vẫn là tiến trình phân ly, phá hủy. Abu-Deeb ghi nhận một chuyển biến căn bản trong thơ Adonis từ quan điểm thi ca và thẩm mỹ dựa trên cái tương tự, đơn nhất, khác thường và thống nhất đến chỗ bất hòa, khác biệt, mâu thuẫn, đối kháng. Trong những bài thơ đầu đời, ông đề cập đến cái “Một” (Oneness):

I have become the mirror. I have reflected everything
… I and water have become lovers:
I am born in the name of water
water is born in me
I and water have become twins. (The Tree of the East)

Dần dà về sau, thơ ông trở thành đối lập và nghịch lý:

Every time I say: here is a land coming close
and blossoming in a language so near,
another language
flings me to another land.

Cảm giác bị loại bỏ, bị ruồng rẫy, bị đe dọa và phản bội:

a creator devoured by his creatures,
a country
hiding in the blood gushing forth
out of its dismembered limbs,-
This is the age commencing.

Càng về sau, khái niệm và từ vựng mâu thuẫn và sự ca ngợi những điều nghịch lý càng phủ trùm không khí thơ Adonis:

How beautiful this world is, which comes into being in the footsteps,
the Earth is a bed
and things are contrary to (or contradict) things.

Kể từ tập thơ “Kitab al-Hisar” (The Book of the Siege), toàn thể thơ của Adonis là mâu thuẫn và nghịch lý. Mâu thuẫn và nghịch lý bây giờ trở thành là năng lực, là sức sống:

- I murmured: Nothing fills me with clarity
like this obscurity; or may be I murmured: Nothing fills me
with obscurity more than this clarity.
- Marvel at paradoxes which alone are logical,
at contradictory things which we can see no unity except within them.

Ngôn ngữ, dụng cụ duy nhất để nhận diện và hiểu thực tại, cũng phân ly, mâu thuẫn:

With language you wanted to know yourself
and know the world.
Therefore you separated things from their names.
You incited the object against its name
and the name against the object.
And here they are still fighting,
each searching
and not finding (7).

Nghe âm vang “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử.

Tác phẩm của ông rõ ràng là khó đọc. Chẳng hạn như Mufrad bi-Sighat al-jam. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đó là tác phẩm phức tạp nhất của ông, dày tới 400 trang, một sáng tạo vô cùng ngoạn mục, nhưng tất nhiên vẫn là một thế giới đóng kín đối với nhiều độc giả bình thường. Đã thế, ông lại phê phán không thương tiếc xã hội Á Rập cổ hủ, lạc hậu, nên chẳng được mấy người yêu mến. Ông thường tỏ ra hứng thú với sự nổi tiếng ngược ngạo đó, khinh bỉ loại quần chúng như là một thứ "ý niệm ý thức hệ" (ideological notion). Hiện đang sống ở Paris, ông lo hoàn tất tập 4 cuốn Al Kitab. Tác phẩm là một cuộc du hành vào cái mà ông gọi là The Inferno of Arab history (biển lửa của lịch sử Á Rập) bắt đầu với chết của nhà tiên tri Muhammad cho đến sự sụp đổ của Baghda vào tay quân Mông Cổ năm 1258. "Tôi là một trong số những người đi tìm các tệ nạn của những người Á Rập trong lịch sử riêng của họ, không phải bên ngoài nó".

Adonis có nhiều điểm tương tự như Naipaul khi đề cập đến tình hình các xứ Á Rập và xu hướng cực đoan một cách không hay ho gì của nhiều thành phần bảo thủ ở đó. Chỉ có khác là, ông viết bằng tiếng Á rập và nhắm đến đối tượng là người Á Rập. Ngoài ra, ông thẳng thắn phê phán Tây phương, nhất là Hoa Kỳ, về các chính sách ngoại giao của họ. "Hoa Kỳ giàu có, nhưng lại quá nghèo nàn và vụng về trong chính sách đối ngoại". Phát biểu về vấn đề Palestine, ông cho biết "Vấn đề Palestine thực ra nằm ngoài chuyện chính trị. Đó là vấn đề đạo đức, và đã là đạo đức thì không bao giờ nằm ở phía của kẻ cầm quyền. Người Do Thái và người Palestine phải sống chung với nhau thành một quốc gia hay một liên bang. Tôn giáo không còn là một thứ văn hoá và trở thành một huyền thoại, đối với Hồi Giáo cũng như đối với Do Thái Giáo. Cuộc chiến vẫn dằng dai không dứt chỉ vì theo ông, cả hai bên đều "là những người không thừa nhận nhau, hoàn toàn khép kín đối với nhau. Ai cũng tự cho rằng Thượng Đế luôn đứng về phía họ" (8)

Adonis còn xuất bản The Changing and the Fixed: A Study of Conformity & Originality in Arab Culture, một tác phẩm nghiên cứu. Tác phẩm hiện bị cấm lưu hành ở các nước Á Rập vì ông dùng nó để tố cáo giới tăng lữ muốn vĩnh cửu hóa quá khứ, thứ chủ nghĩa mà ông gọi là past-ism, một xu hướng bám chặt vào cái gì đã biết rồi và sợ cái mới, sợ tranh cãi. "Chúng tôi sống trong một nền văn hoá không dành chỗ cho những câu hỏi. Tất cả câu trả lời đều có sẵn từ trước. Ngay cả Thượng Đế cũng chẳng còn gì để nói. Cái mà thế giới Á Rập cần, hơn tất cả, là một cuộc cách mạng chủ thể tính (revolution of subjectivity), giải thoát con người khỏi truyền thống. Nếu không có cuộc cách mạng như thế, những người Á rập sẽ chỉ biết thứ "chủ nghĩa hiện đại dùng lại" (secondhand modernity), một loại pha chế nguy hiểm của thứ chủ nghĩa tiêu thụ rỗng tuếch + bầu cử gian lận + Hồi Giáo cực đoan. "Không có nhiều văn hóa ở trong thế giới Á Rập. Nó đã hết. Nói một cách văn hoá, chúng ta là một phần của văn hoá Tây phương, nhưng chỉ như những người tiêu thụ, không là những người sáng tạo" (9). Bàn về việc tiếp thu văn hóa mới hay chuyển dịch văn hoá, Adonis cho rằng sự chuyển dịch từ văn hóa này đến văn hóa khác không phải là một quá trình xóa bỏ căn cước riêng của mình, mà là một sự liên kết. Sáng tạo văn hoá là không biên giới. Sáng tạo là giải phóng tâm hồn lẫn thể xác. Sáng tạo là một chân trời rộng mở, không có biên giới. Nói như Lamartine “Chỉ có lòng ích kỷ và thù hận là có một quê hương; tình huynh đệ thì không quê hương”(10). Adonis viết: “(Victor) Hugo có lần nói ‘Mỗi một tự ngã là một khuôn mẫu đầy đủ của tất cả các tự ngã. Con người là một toàn thể trước khi là một phần”(11)

Vậy thì, không cần phải hòa tan phương Đông vào phương Tây. “Tôi không ưa những nhà trí thức Á Rập phê phán phương Tây y như thể phương Tây là một khối duy nhất. Họ không biết rằng những phê phán của họ lại được vay mượn từ ngôn ngữ mà những nhà tư tưởng và triết gia phương Tây đã khổ công trui rèn nên. Cá nhân tôi, tôi thấy mình gần gũi với Nietszche, Heidegger, Rimbaud, Beaudelaire, Goethe, Rilke…hơn nhiều nhà văn, nhà thơ và nhà trí thức Á Rập. Vùng đất sáng tạo và văn hóa, theo tôi, không giống như vùng đất địa lý.(…) Tất cả cuộc đấu tranh của tôi tập trung trên một mục đích: chuyển quê hương địa lý thành một phần sinh động của quê hương phổ quát và sáng tạo. Không Đông, không Tây. Chỉ có một con người trong một thế giới”(12)

Sau biến cố 11/9, nhiều độc giả tìm đọc lại bài thơ nổi tiếng của ông làm vào năm 1971, có tựa đề Qabr min Ajl New York (A Grave for New York) – Nấm Mồ Cho New York -, một bài thơ xuôi dài. Khác hẳn với những trích đoạn thơ đầy chất triết lý ở trên, bài thơ này có tính cách hiện thực và nặng phần tố cáo. Adonis dùng thành phố New York như là biểu tượng cho nước Mỹ, một nước Mỹ theo ông là hùng mạnh nhưng bất công đối với một phần cư dân của nó (là người da đen) cũng như đối với các nước thuộc thế giới thứ ba, đặc biệt là các nước Á Rập. Đoạn mở đầu bài thơ dùng hình ảnh của một phụ nữ không đoan chính như là ẩn dụ của một New York mâu thuẫn: giàu có, văn minh chen lẫn với nghèo đói và bất công


Picture the earth as a pear 

or breast. 
Between such fruits and death 
survives an engineering trick: 
New York, 
Call it a city on four legs 
heading for murder 
while the drowned already moan 
in the distance. 
New York is a woman 
holding, according to history, 
a rag called liberty with one hand 
and strangling the earth with the other.(13)

Quả là một lời tố cáo nặng nề đối với New York: ngượi phụ nữ (ám chỉ tượng Nữ Thần Tự Do) một tay thì cầm biểu tượng của tự do nhưng tay kia lại bóp nghẹt phần còn lại của thế giới. Trong bài thơ, có đoạn nói về sự bốc cháy của thành phố New York. Một người vô danh đi lang thang qua khu tài chánh và Harlem, cố tìm bóng ma của nhà thơ Walt Whitman và giận dữ tưởng tượng rằng "một ngọn gió từ phía đông nhổ sập những ngôi nhà chọc trời", "một làn khói chen với lửa" và "người ta tan chảy ra như nước mắt".

Có người cho rằng bài thơ đã là một lời tiên tri về biến cố 11/9. Adonis không nhận như thế. "New York đối với tôi vừa là thiên đàng vừa là địa ngục. Đọc lại bài thơ, tôi cảm thấy sợ hãi", ông nói (14).


Trần Hữu Thục
(viết 2/2002, sửa chữa và bổ sung 10/2006)




Ghi chú:

(1)Dẫn theo Adam Shatz, An Arab Poet Who Dares to Differ, New York Times 13/7/2002
(2)Adam Shatz, bđd
(3)Dẫn theo Adam Shatz, bđd
(4)A question that begets another question (dẫn theo lời giới thiệu tập thơ “The Pages of Day and
Night”)
(5)Phỏng vấn Adonis, There are many East’s in the East/And many West’s in the West,
Banipal số 2, 6/1998, (http://www.jehat.com/en/default.asp?action=article&ID=43)
(6)Kamal Abu-Deeb , Contradictory Self/Selves,
(http://www.jehat.com/en/default.asp?action=article&ID=74)
(7) Các đoạn thơ trích ở đây lấy từ Kamal Abu-Deeb.
(8)Everyone pretends that God told them his last words
(9)Dẫn theo Adam Shatz, bđd
(10) Only selfishness and hatred have a homeland; brotherhood has no homeland
(dẫn theo Adonis trong “Towards a culture of the Future”)
(http://www.library.cornell.edu/colldev/mideast/btheast.htm)
(11)Hugo once said "Every self comprises a complete model of all the selves" Man is a totality before he is a part (Adonis, xem chú thích 10)
(12)Adonis, Phỏng vấn Adonis, There are many East’s in the East/And many West’s in the West
(13) Dẫn theo Wikipedia: http://en.wikipedia.org/wiki/Ali_Ahmad_Said
(14)Theo Adam Shatz, bđd



Source: Damau.org

1 nhận xét:

  1. Xem thêm:

    http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=554

    Trả lờiXóa

thach.michelia@gmail.com