21 thg 1, 2013

Con chim trong tay các ngươi (Diễn từ Nobel - Tony Morrison)

Tony Morrison trong lễ trao giải Nobel văn học 1993

‘Ngày xưa có một bà cụ già. Mù nhưng khôn ngoan.’

Trong mẫu chuyện tôi biết thì bà là con gái của hai người nô lệ, da đen, người Mỹ, sống một mình trong một căn nhà nằm ngoài quận trấn. Tiếng tăm về sự khôn ngoan của bà là rõ ràng không ai ví bằng. Đối với người dân làng mạc chung quanh thì bà vừa là luật pháp vừa là sự thách thức vượt qua luật pháp. Bà được nói tới với trọng vọng, nể vì, và tiếng tăm bà vang xa đi tới tận ngoài phố thị, nơi mà sự thông tuệ của những nhà tiên tri thôn dã vốn vẫn là nguồn mua vui cho dân thị phố.

Một ngày nọ bà cụ có khách viếng thăm, ấy là một đám thiếu niên muốn chứng minh sự thông tuệ của bà là không có thực, và tất cả là một trò gian, như đám thiếu niên này tin vậy. Mưu tính của họ đơn giản: họ vào nhà, hỏi bà cụ một câu hỏi mà câu trả lời dựa hoàn toàn vào sự khác biệt duy nhất giữa bọn họ và bà cụ, một sự khác biệt họ xem là một khiếm tật tuyệt đối trầm trọng.

Họ đứng trước bà, và một người trong đám lên tiếng hỏi, ‘Bà cụ già, ta nắm trong tay đây một con chim. Bà hãy nói là nó còn sống hay đã chết.’

Bà không trả lời, câu hỏi được lập lại, ‘Con chim trong tay ta đây còn sống hay đã chết ?’

Bà cụ vẫn không trả lời. Bà cụ mù không thấy được khách, nói gì tới cái trong tay họ. Bà không biết màu da, phái tính hay xứ sở của họ. Bà chỉ biết ý đồ của họ.

Sự im lặng của bà cụ kéo dài hơi lâu quá khiến cho đám trẻ gặp khó khăn khi muốn kéo dài tiếng cười đắc chí.

 
Sau cùng thì bà lên tiếng, giọng bà dịu mà nghiêm. ‘Tôi không biết,’ bà nói .’Tôi không biết con chim trong tay các anh sống hay chết, tôi chỉ biết một điều là chúng trong tay các anh. Chúng trong tay các anh.’

Câu trả lời của bà lão có thể diễn dịch hàm nghĩa: nếu nó chết, các anh đã tìm thấy nó như vậy, hay là các anh đã giết nó. Nếu nó còn sống, các anh vẫn còn có thể giết nó. Nó sẽ còn được sống hay không, ấy là quyết định của các anh. Đằng nào, ấy là trách nhiệm của các anh.

Bằng cách diễn hành uy quyền của đám trẻ và sự vô vọng của mình, đám khách đã bị khiển trách, đã bị bảo cho biết họ không chỉ chịu trách nhiệm với hành vi khiêu khích trêu ghẹo mà còn chịu trách nhiệm cho một sinh vật nhỏ đã bị hy sinh để họ đạt được cái mục tiêu của một ý đồ.

Bà cụ đã chuyển dịch sự chú mục từ sự trưng diễn quyền lực qua khí cụ để thi hành quyền lực ấy.

Diễn đoán gì (hơn là tấm thân yếu ớt của chính nó), ý nghĩa nào, qua truyện kể con chim trong tay luôn luôn đã lôi cuốn đối với tôi, nhưng đặc biệt là lúc này, như tôi vẫn từng suy nghiệm, về công việc mình làm, công việc mà đã đưa tôi tới với quí vị hôm nay. Tôi chọn đọc con chim kia là ngôn ngữ và người đàn bà trong câu chuyện là một nhà văn làm nghề. Bà ưu tư bằng cách nào ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ trong đó bà đi tới với những giấc mộng, đã gởi trao cho bà tự sơ sinh, sẽ được sử dụng như thế nào, thậm chí sẽ bị tước đoạt khỏi bà ra sao cho những ý đồ ác hiểm. Là một nhà văn bà tư duy về ngôn ngữ, một phần ngôn ngữ như một hệ thống, một phần như một sinh thể mà một người có thể kiểm soát, nhưng phần lớn như là một tác nhân – một hành vi với những hệ quả.

Do đó, câu hỏi đám trẻ đặt ra cho bà: ‘Nó còn sống hay đã chết ?’ không phải là giả ảo, bởi vì chính bà vẫn quan niệm ngôn ngữ cũng chịu lẽ sinh tử; nó có thể bị đe doạ và chỉ có thể cứu vãn được bằng nỗ lực của ý chí. Bà tin rằng nếu con chim trong tay đám khách đã chết thì những kẻ bảo quản cho nó phải chịu trách nhiệm cho xác chết ấy. Đối với bà ngôn ngữ chết không chỉ là ngôn ngữ không còn ai nói, ai viết, mà thực ra ngôn ngữ xơ cứng, hài lòng để tự thán phục sư tê liệt của nó cũng là ngôn ngữ chết. Như là ngôn ngữ kiểm duyệt và bi kiểm duyệt của nhà nước chuyên chính. Cứng rắn không khoan nhượng trong nhiệm vụ cảnh sát, nó không có mục tiêu hay cao vọng nào khác hơn là duy trì sự thả rong của chủ nghĩa tự ca ngợi tự chiêm ngưỡng thế chế ngự độc tôn của nó. Dù ngắc ngoải thế nào nó vẫn không hết tác dụng, bởi vì nó đánh tê liệt tri thức, làm tắt nghẽn lương tâm, nhấn chìm những tiềm năng vươn tới. Câm điếc trước tra vấn, nó không thể nhóm thành hay dung túng những ý tưởng mới, tạo hình cho những tư tưởng khác biệt, đi kể một câu chuyện khác, phá đi sự im lặng khó hiểu. Ngôn ngữ nhà nước nhắm phê chuẩn sư ngu dân và duy trì đặc ân đặc huệ là một vỏ áo giáp được đánh lên ngời bóng tới kinh hoàng, một cái vỏ mà chàng hiệp sĩ đã thoát đi khỏi nó lâu lắm tự đời kiếp nào. Thế mà nó đứng đấy: im lặng đần độn, cổ lổ , tình cảm ướt át. Sư tôn kính phấn khích của học trò tiểu học đem lại chỗ trú an toàn cho những nhà độc tài, triệu gọi những ký ức mê muội gỉa tạo về sự ổn định xã hội, về sự hoà điệu nhịp nhàng giữa nhân dân.

Bà tin rằng khi ngôn ngữ chết, vì sự thiếu cẩn trọng, bỏ phế, thờ ơ, vì sự vắng mặt của lòng qúi trọng, hay vì bị thảm sát bởi qui thuận tán đồng, thì không phải chỉ bà, mà tất cả những người sử dụng ngôn ngữ và làm ngôn ngữ sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự vong phế này. Trong xứ sở của bà trẻ con đã cắn đứt lưỡi và thay vì ngôn từ chúng đã sử dụng súng đạn để lập lại âm thanh của sự câm cứng, của ngữ ngôn bị tàn phế và gây tàn phế, của ngôn ngữ mà người lớn đã bỏ rơi tất cả, không còn đâu khí cụ cho cuộc đi tìm ý nghĩa, cho hướng dẫn chăm lo, cho tỏ bày tình yêu. Bà cũng biết cuộc tự-sát-tiếng-lời không phải chỉ là chọn lựa của trẻ con. Nó là rất phổ thông giữa những nguyên thủ quốc gia đầu óc làm như dừng lại ở tuổi lên ba, những con buôn quyền lực mà ngôn ngữ trống trơ của họ đóng bít lối đi vào phần còn lại của bản năng con người, bởi vì tất cả nhưng kẻ này lên tiếng chỉ cho những kẻ tuân phục dạ vâng, hay để lấy sức mạnh ép buộc sự tòng phục vâng dạ.

Sự vơ vét có hệ thống đánh vào ngôn ngữ có thể được nhận diện bởi khuynh hướng của những kẻ sử dụng ngôn ngữ buông bỏ tố tính tinh tế, đa phức, và bồng đỡ cuộc sản sinh của ngôn ngữ, để thay vì thế, hướng tới đe doạ và thôn tính. Ngôn ngữ trấn áp không chỉ là biểu hiện của bạo động; nó chính là bạo động. Nó giới hạn kiến thức. Là ngôn ngữ khuất tối của nhà nước hay ngôn ngữ giả tạo của giới truyền thông vô tâm; là ngôn ngữ hãnh diện nhưng xơ cứng hóa vôi của hàn lâm hay ngôn ngữ khoa học phục vụ thương mại; là ngôn ngữ ma lanh của luật pháp vô đạo lý hay ngôn ngữ được kế hoạch để xua đuổi thiểu số, giấu che sự tham ô cưỡng chế mang tính kỳ thị chủng tộc trong vỏ ngôn từ văn hoa, thì những ngôn ngữ ấy phải bị khước từ, phải được đưa ra ánh sáng và phải được thay đổi. Ấy là ngôn ngữ uống máu, lợi dụng sự yếu mềm, che đầu giày sô phát xít trong vải xoa đạo mạo và chủ nghĩa ái quốc trên tuyến đi không lơi tốc độ hướng tới vạch bần cùng và tâm thức bị cạo sạch. Ngôn ngữ kỳ thị giới tính, kỳ thị chủng tộc, ngôn ngữ thần quyền – tất cả tiêu biểu cho những ngôn ngữ cảnh sát lão luyện, không thể và không bao giờ cho phép kiến thức mới, hay khuyến khích cho những trao đổi tư tưởng hỗ tương. Bà lão ý thức rõ ràng những tay đánh thuê trí thức, những tay độc tài tham lam vô đáy, những tay chính trị bị mua chuộc bởi tài lực, những tay hùng biện xảo ngôn sẽ không bao giờ được thuyết phục bởi những ý tưởng của bà. Đang có và sẽ còn có thứ ngôn ngữ khơi động hầu vũ trang hóa người công dân trong nước; thứ ngôn ngữ gây thảm sát trong những thương xá, pháp đình, văn phòng bưu điện, sân chơi, phòng ngủ, đường đi; thứ ngôn ngữ khích động nhắc nhở ghi nhớ làm bình phong cho bao cái chết phí phạm không cần thiết. Sẽ có những thứ ngôn ngữ ngoại giao hơn để hỗ trợ cho cưỡng hiếp, tra tấn, ám sát. Sẽ có những ngôn ngữ biến thái hơn khiêu gợi hơn, được nghiên cứu có kế hoạch, để bóp cổ phụ nữ, để đóng chẹn vào cổ của họ như vào ngỗng béo làm paté bằng những chữ lời tục tằn phạm pháp của chính họ. Sẽ có thêm những ngôn ngữ giám thị ngụy trang nghiên cứu; ngôn ngữ của chính trị và lịch sử tính toán để làm câm nín khổ đau của hàng triệu con người; ngôn ngữ được tô điểm rực rỡ để gây mê cho những người nghèo khổ phải xâm hại láng giềng của họ; thứ ngôn ngữ kiêu ngạo giả danh thực nghiệm được tô vẽ để khóa trái người sáng tạo vào những cũi chuồng cúa mặc cảm thua kém và tuyệt vọng.

Dưới vẽ văn hoa hùng biện và những quan hệ hàn lâm, dù mời mọc hay gây xúc động ra sao, thì trái tim của ngôn ngữ ấy vẫn đang chết lần mòn, hay đã không còn một nhịp đập nào nữa – như là con chim kia đã chết trong tay nọ.

Bà lão đã nghĩ tới giả thuyết điều gì sẽ xảy ra cho lịch sử tri thức mọi ngành nếu như không có ý chí phấn đấu của con người, những hoang phí thời gian và đời sống mà những sự hợp lý hoá và biểu trưng hoá của lực chế ngự sẽ đòi hỏi, những diễn ngôn độc địa của thuyết loại trừ, ngăn cản sự công nhận cho cả kẻ bị loại trừ lẫn kẻ ra tay gây ra sự ấy.

Minh triết thường được nghe ở câu chuyện Tháp Babel cho rằng sự sụp đổ tháp ấy là một rủi ro. Rằng sự xao nhãng gây ra bởi nhiều ngôn ngữ, gánh nặng của sự nhiều ngôn ngữ ấy chính là nguyên nhân đưa tới sự sụp đổ kia. Rằng một ngôn ngữ duy nhất sẽ giúp ích cho công trình xây dựng tháp, cho con người sẽ chạm tới thiên giới. Thiên giới của ai, bà lão tự hỏi ? Và loại thiên đường nào đây? Có lẽ ý tưởng Địa đàng Trần gian (Paradise) là một ý tưởng chưa già dặn đủ, và hơi gấp vội khi mà không có ai đủ thời gian để thông hiểu những ngôn ngữ khác, những quan điểm khác, những truyện kể khác, những cách kể khác. Nếu đã làm được thì biết đâu thiên đường họ tưởng tượng không chừng đã được tìm thấy ở chân họ. Phức tuế, khó khăn, đúng vậy, nhưng ấy là quang cảnh thiên giới như là đời sống, chứ không phải là thiên đường cho sau khi đã chết.

Bà lão không muốn để những người khách trẻ chịu ấn tượng là ngôn ngữ nên bị buộc để sống còn không ngoài duy nhất một lý do tồn sinh. Sức sống sinh động của ngôn ngữ nằm trong chính khả năng thể hiện, trong sự diễn đạt những đời sống thực sự có, hay tưởng tượng thành, hay những đời sống khả hữu của người nói, người viết, người đọc. Dẫu rằng thế đứng quân bình của nó đôi khi làm nên từ sự chuyển dời kinh nghiệm, nó không thế chỗ cho kinh nghiệm. Nó vươn tới nơi ý nghĩa có thể đang trú ngụ. Khi một tổng thống Mỹ quốc nghĩ tới quá khứ chết chóc của quốc gia ông để lên tiếng rằng, ‘Thế giới sẽ ghi chú rất ít và không ghi nhớ quá lâu những gì chúng ta nói ở đây. Nhưng thế giới sẽ không bao giờ quên những gì chúng ta đã làm ở đây,’ lời nói của ông gây phấn khởi, ở tính cách dưỡng nuôi sự sống của nó, là bởi vì lời ấy không chịu đóng-khung-chết cái thực tại 600-nghìn-người-đã-hy-sinh trong một cuộc chiến chủng tộc long trời lở đất.

Từ chối không tạc tượng đài, bác khước lối tuyên lời tối hậu, lối đúc kết chỉn chu, công nhận sự thiếu sót của ngôn từ khi làm chuyện cộng trừ thêm bớt, những lời của vị tổng thống này ra dấu cho thấy có một sự chịu phụ-tùy vào tính bất khả nắm bắt của đời sống mà ông đang thương tiếc. Ấy là sự phụ-tùy gây xúc động nơi bà, nó là sự nhận ra rằng ngôn ngữ không bao giờ có thể vươn tới, rốt ráo một lần, sống mạnh bạo ngang bằng với đời sống. Mà thực ra nó cũng không nên với được tới ngang bằng như vậy. Ngôn ngữ không bao giờ có thể ‘nắm bắt’ hoàn toàn những gì như chiến tranh, như diệt chủng, như chế độ nô lệ. Nó cũng không nên có cao vọng đạt tới sự kiêu ngạo cho rằng mình có thể làm được sự nắm bắt ấy. Sức mạnh của nó, diệu dụng của nó nằm trong sự vươn tới cái bất khả tỏ bày, bất khả diễn đạt.

To tát hay thanh mảnh, ẩn che, nổ bùng, hoặc từ khước phong thánh; cười vang hay khóc thầm, thì con chữ chọn lọc, sự im lặng được chọn lọc, ngôn ngữ không bị ố phạm, toàn bộ vươn mạnh tới kiến thức, chứ không phải sự hủy hoại kiến thức. Ai là kẻ không biết có một nền văn chương bị cấm chỉ bởi vì nó tra vấn; bị bôi nhọ bởi vì nó cao tính phán đoán; bị tẩy sạch bởi vì nó có khả thể giao dòng chuyển hướng? Bao nhiêu người đang uất phẫn với ý tưởng về một ngôn ngữ tự thảm sát.

Công việc làm chữ là cao đẹp, bà nghĩ vậy bởi vì nó sinh sản, nó tạo ý nghĩa bảo đảm cho sự dị biệt của chúng ta, sự dị biệt rất con người của chúng ta – cái cách mà chúng ta sống và sử dụng ngôn ngữ không giống những sinh vật khác. Chúng ta chết. Điều ấy có lẽ là ý nghĩa của đời sống. Nhưng chúng ta làm ngôn ngữ. Ấy có lẽ là sự đo đạc định mệnh đời sống của con người.

‘Ngày xửa ngày xưa..’ những người khách thiếu niên hỏi một bà lão một câu hỏi. Những thiếu niên này là ai? Cuộc gặp gỡ đã đem lại cho họ điều gì? Họ đã nghe được điều gì ở câu trả lời: ‘Con chim ở trong tay các anh ‘? Một câu trả lời như một cử chỉ hướng về một khả thể hay như là một cú thả sập then cửa? Dường như những thiếu niên này nghe ở câu trả lời, ‘Đấy chẳng phải là vấn đề của ta. Ta già lão, một bà già, da đen, mù. Sự khôn ngoan của ta giờ đây là sự biết ta không thể giúp gì cho các anh. Tương lai của ngôn ngữ là của các anh.’

Họ đứng đấy. Giả thiết được chăng rằng là không có gì trong tay của họ cả? Giả thiết được chăng rằng là cuộc viếng thăm ấy là một trò đùa gạt giả vờ để mà được ban lời, những lời nghiêm nghị mà họ chưa từng được nghiêm chỉnh đối xử như vậy bao giờ? Một cơ hội để xen vào, để xâm phạm cái thế giới của người lớn, vùng xông khói độc của ngôn từ nói về họ, cho họ, nhưng không bao giờ với họ? Những câu hỏi nghiêm trọng được đưa ra, gồm trong đó cả câu hỏi: ‘Con chim chúng tôi giữ đây còn sống hay đã chết ?’ Rất có thể câu hỏi ấy hàm nghĩa: ‘Có ai có thể nói cho chúng tôi biết thế nào là sống? Thế nào là chết ?’ Không có mưu mẹo vờ vĩnh gì cả, không có dại dột nào cả. Một câu hỏi thẳng thắn, đáng cho một người khôn ngoan phải chú tâm. Thêm, đấy là một người cao niên trọng tuổi. Và, nếu như một người cao niên và khôn ngoan đã từng trải qua gần hết đời sống, đã đối mặt cùng cái chết, mà không trả lời được, thì liệu ai khác có thể trả lời?

Nhưng bà lão không nói; bà giữ nguyên bí ẩn của bà; những ý kiến tốt đẹp về chính mình; những công bố cô đúc khôn khéo; nghệ thuật của bà không can dự không cam kết gì cả. Bà giữ một khoảng cách, duy trì khoảng cách ấy và rút về, lui vào trong đơn độc cách biệt, trong không gian tinh tế đặc ân riêng biệt .

Không có gì, không chữ lời nào đi tiếp theo sau công bố sang nhượng của bà. Sự im lặng của bà là sâu thẳm, sâu thẳm hơn ý nghĩa chứa trong lời bà đã phát ra. Nó gây băng giá, sự im lặng này, và đám trẻ, bực bội, đổ đầy sự im lặng ấy bằng thứ ngôn ngữ phát minh tại chỗ của họ.

‘Không có lời nào bà có thể giúp chúng tôi bứt phá đống hồ sơ những thất bại của bà ư? Không có lời nào bà có thể giúp chúng tôi bứt phá sự giáo dục bà vừa ban phát mà thực ra chẳng giáo dục gì, bởi vì chúng tôi chú ý cả những gì bà đã làm cận sát những điều bà đã nói? Không có lời nào bà có thể giúp chúng tôi bứt phá bức tường cản bà đã dựng lên giữa trí thông tuệ và sự rộng lòng cả ư?

‘Chúng tôi không có con chim con chóc nào trong tay cả, sống hay chết. Chúng tôi chỉ có bà và câu hỏi cúa chúng tôi mà thôi. Có phải cái không có trong tay chúng tôi là thứ bà không thể khứng nỗi để suy tư về nó, để ngay cả cho ra thử một phỏng đoán? Bà không còn nhớ thời trẻ của mình khi mà ngôn ngữ kỳ ảo mà không cần ý nghĩa? Bà không còn nhớ thời bà có thể nói mà không cần hàm nghĩa nọ kia ư? Bà không còn nhớ thời nào khi mà cái vô hình là cái tưởng tượng cố gắng tìm kiếm? Khi những câu hỏi và những mưu cầu tìm kiếm đáp án cháy lên qúa đỗi rực rỡ đến nỗi bà phải run lên với cơn cuồng nộ ở chỗ kia kìa sao ta không biết?

‘Chúng tôi có phải bắt đầu ý thức về một trận chiến những anh hùng, anh thư, như bà đã chiến đấu, đã thất trận, để lại cho chúng tôi với con số không trong tay; không, không gì cả trừ cái bà đã tưởng tượng thấy ở đó? Câu trả lời của bà nghệ thuật lắm, nhưng sự tinh xảo nghệ thuật ấy khiến chúng tôi xấu hổ và phải làm bà xấu hổ. Câu trả lời của bà thiếu tử tế chính ở sự tự tán thưởng lấy chính mình. Một thứ kịch bản phim truyện truyền hình có sẵn xài liền không mang ý nghĩa nào cả nếu như không có gì trong đôi tay chúng tôi.

‘Tại sao bà không trườn tới, mở rộng vòng tay, sờ chạm chúng tôi với những ngón tay của bà, tạm khoan cái sự phát ngôn, tạm khoan cái bài giảng, cho tới khi bà thực biết chúng tôi là ai? Có phải chăng bà khinh bỉ món thử trí của chúng tôi, lối chơi lối sống của chúng tôi, nó khiến bà không thể thấy chúng tôi loay hoay làm sao để tìm được ở bà sự chú ý? Chúng tôi trẻ người non dạ thực đấy. Chúng tôi đã nghe suốt những năm tháng đi qua chúng tôi phải gánh vác trách nhiệm. Điều ấy có ý nghĩa gì trong thế giới đã thành một khối tai ương khổng lồ này; nơi mà một nhà thơ từng nói, ‘không có gì cần lật ra ánh sáng vì tất cả đều trơ mặt cá rồi. Di sản của chúng tôi là một sự xúc phạm. Bà muốn chúng tôi mang đôi mắt trống trơ già cỗi của bà để chỉ thấy sự tàn ác và cái tầm tầm chăng. Bà có nghĩ chúng tôi ngu ngốc tới nỗi tự khai man chính mình ba lần bảy lượt về một hư cấu quốc gia dân tộc chăng? Bà có quyền gì ban bảo chúng tôi về nhiệm vụ, khi mà chúng tôi đã ngập tới thắt lưng trong chất độc của quá khứ?

Bà tầm thường hoá chúng tôi và tầm thường hoá con chim kia, thứ không nằm trong tay chúng tôi. Phải chăng không có một ngữ cảnh nào cho đời sống của chúng tôi cả? Không ca khúc, không văn chương, không bài thơ chất chứa sinh tố, không lịch sử nối kết với kinh nghiệm, kinh nghiệm bà có thể truyền đạt để chúng tôi nắm lấy bước vào đời mạnh mẽ? Bà là một người lớn. Một người trọng tuổi, một người thông tuệ. Đừng bận tâm quá tới sự giữ thế diện. Hãy quan tâm chút gì tới đời sống của thế hệ chúng tôi, hãy nói cho chúng tôi nghe về thế giới bà đã trải nghiệm. Hãy tạo ra một câu chuyện. Truyện kể là cấp thiết cấp tiến, nó tạo ra chúng ta ngay lúc nó được sáng tạo thành hình.

Chúng tôi sẽ không buộc lỗi bà nếu như bà vươn tới quá tầm tay; chúng tôi sẽ không buộc lỗi bà nếu như tình yêu làm bật lên như lửa ngời chữ lời, và thiêu rụi chữ lời ấy để không còn lại gì, trừ vết cháy bỏng. Hay nếu như, với sự khéo léo của đôi tay của một bác sĩ giải phẩu, chữ lời của bà khâu nối liền, duy những nơi nào máu huyết luân lưu. Chúng tôi vốn biết bà sẽ không bao giờ làm được đúng cách, một lần cho rốt ráo. Nhiệt tâm có bao giờ đầy đủ, sự khéo léo cũng thế. Nhưng hãy thử đi. Cho chúng tôi và cho bà, hãy quên đi danh tính, tuổi tên bà ngoài đường phố; hãy kể cho chúng tôi nghe thế giới ra sao với bà trong những không gian bóng tối và ánh sáng.

Đừng ban huấn cho chúng tôi phải tin cái gì, phải e sợ cái gì. Cho chúng tôi thấy chiếc váy rộng của những tin tưởng và mũi kim tháo chỉ tách lớp mạng mềm bọc đỡ cúa sự sợ hãi. Chính bà, được ân huệ của bóng tối, có thể nói, thứ ngôn ngữ mà sẽ diễn đạt được chức năng của ngôn ngữ ấy: làm sao để thấy mà không cần qua hình ảnh. Ngôn ngữ đứng tách riêng tự nó che chở cho chúng ta cái đáng sợ của sự vật không danh tính. Ngôn ngữ đứng tách riêng tự nó là quán niệm.

‘Hãy kể cho chúng tôi đời sống của một người đàn bà để chúng tôi có thể biết đời sống của một người đàn ông. Cái gì chuyển động ở viền biên giới. Không cố hương có nghĩa làm sao, làm sao ta sống. Có nghĩa gì khi bị đẩy xa lìa khỏi cố quận kia. Là sao, là gì, và làm sao ta sống ở bìa những thị trấn hút heo không thể gánh nỗi sự có mặt của ta.

‘Hãy kể cho chúng tôi nghe những con tàu bị đẩy ngược ra khỏi bờ vịnh ngày Phục Sinh, nắm rau hồng máu trên cánh đồng. Hãy kể cho chúng tôi nghe về những toa gông tàu chất đầy người nô lệ, họ hát nho nhỏ thầm thì ra sao, hơi thở của họ không phân biệt nỗi với tuyết đang rơi trắng. Làm sao qua vùng trũng của bờ vai gần gụi nhất họ biết trạm dừng tới là trạm sau cùng. Làm sao, với tay cầu xin giấu trong đường kín thân thể, họ nghĩ tới nhiệt lượng, rồi tới mặt trời. Ngẩng mặt lên như là mặt ấy để mang đi. Xoay lại như là thân thể đấy để mang đi. Họ dừng lại ở một quán khuya. Người tài xế và gã bạn bước vào quán với ngọn đèn, để lại họ ậm ừ hát nho nhỏ trong bóng tối. Hơi thở của miệng mũi chiếc đầu ngựa bốc ấm trên tuyết dưới vó, tiếng thở phì phì cúa nó khiến những người nô lệ cóng buốt phải phân bì.

Chiếc cửa quán mở ra: một cô gái và một cậu con trai bước ra xa khỏi ánh sáng hắt từ cửa quán. Họ trèo vào vào bên trong chiếc giường ấm sau xe. Cậu con trai sẽ có súng trong ba năm tới, nhưng bây giờ cậu mang một ngọn đèn bão và một bình nước táo ấm. Họ chuyền đi từ miệng người này qua miệng người khác. Người con gái đưa cho bánh mì, những miếng thịt, và chút gì hơn thế nữa: một ánh mắt nhìn vào trong những cặp mắt những người cô đang tiếp cho thực phẩm. Một miếng cho mỗi người đàn ông, hai miếng cho những người đàn bà. Và một cái nhìn. Họ nhìn lại. Trạm dừng tới sẽ là trạm cuối. Nhưng không phải là trạm này. Trạm này được hâm nóng.’

Im lặng trở lại một lần nữa khi những thiếu niên ngưng nói, cho tới khi bà lão lên tiếng phá tan bầu im lặng.

‘Sau cùng’, bà lão nói, ‘bây giờ thì ta tin tưởng trọn vẹn vào các cháu. Ta đặt tin tưởng vào các cháu với con chim không ở trong tay các cháu, vì các cháu đã thực sự có được nó. Vâng, quả vậy, xem kìa. Đẹp làm sao, cái điều này chúng ta đã làm – cùng với nhau .’

Toni Morrison
1993


Thường Quán chuyển ngữ
Source: damau.org



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

thach.michelia@gmail.com